Chỉ Báo Fibonacci Là Gì? Cách Vẽ Fibonacci Trên Tradingview
Fibonacci là công cụ vô cùng phổ biến trong thị trường tài chính mà có thể bạn đã từng nghe qua. Vậy nó là gì? Sử dụng như thế nào? Hãy cùng HMC tìm hiểu về Fibonacci ở bài viết dưới đây nhé!
1. Fibonacci là gì?
Fibonacci là một dãy số trong đó mỗi số là tổng của hai số trước nó. Dãy số bắt đầu như sau: 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34... và cứ thế tiếp tục vô hạn. Tên gọi này xuất phát từ Leonardo của Pisa, còn được biết đến với tên Fibonacci, một nhà toán học Italy trong thế kỷ thứ 12 - 13.
Fibonacci hiện hữu gần như ở mọi thứ trong cuộc sống. Nó không chỉ thu hút sự quan tâm trong lĩnh vực toán học mà còn được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành khác như khoa học máy tính, lý thuyết trò chơi, và đặc biệt là trong tài chính, nơi mà các cấp độ Fibonacci được sử dụng như một phương pháp phân tích kỹ thuật để dự báo sự di chuyển của thị trường.
Và trong thị trường Crypto, Fibonacci đã trở thành một công cụ quen thuộc và phổ biến được nhiều trader sử dụng trong phân tích kỹ thuật. Nó được sử dụng để xác định các vùng hỗ trợ và kháng cự. Từ đó cho chúng ta điểm mua bán hợp lý
2. Các loại Fibonacci trong thị trường tài chính
Có những loại Fibonacci nào và ứng dụng của nó là gì. Hãy cùng mình tìm hiểu ngay sau đấy nhé!
2.1. Fibonacci Retracement
Đây là công cụ được sử dụng rộng rãi để xác định các mức hỗ trợ và kháng cự dựa trên một số mức quan trọng là 23.6%, 38.2%, 61.8%, và đôi khi là 78.6% và 88.6%. Nhà đầu tư sẽ vẽ các đường retracement trên biểu đồ giá để xác định các khu vực mà giá có thể quay đầu sau một đợt di chuyển mạnh.
2.2. Fibonacci Extension
Công cụ này được sử dụng để dự đoán đến đâu giá có thể đi sau khi điều chỉnh, bằng cách sử dụng các mức mở rộng bao gồm 61.8%, 100%, và 161.8%. Fibonacci Extension giúp xác định các mục tiêu giá tiềm năng cho một đợt di chuyển giá sau khi điều chỉnh.
2.3. Fibonacci Fan
Được tạo ra từ đỉnh và đáy chính của một đợt di chuyển giá, Fibonacci Fan bao gồm một loạt các đường góc được vẽ ở các tỷ lệ Fibonacci để xác định các điểm hỗ trợ và kháng cự tiềm năng.
2.4. Fibonacci Time Zones
Dựa trên chu kỳ thời gian thay vì mức giá, Fibonacci Time Zones được định nghĩa là một chuỗi các khoảng thời gian sẽ xác định các khoảng thời gian quan trọng mà tại đó giá có thể chứng kiến một sự thay đổi về xu hướng hoặc biến động mạnh.
2.5. Fibonacci Arcs
Công cụ này vẽ một loạt các đường cung dựa trên mức cao và thấp của giá, qua đó xác định các khu vực của các mức hỗ trợ và kháng cự tiềm năng thông qua việc sử dụng các cung với bán kính theo tỷ lệ Fibonacci.
2.5. Fibonacci Channel
Tương tự như Fibonacci Retracement, Fibonacci Channels thêm vào các đường song song với nhau mà qua đó, nhà đầu tư có thể xác định các mức hỗ trợ và kháng cự ngoài các mức retracement, giúp dự đoán động thái tiếp theo của thị trường.
3. Cách vẽ Fibonacci
Như đã đề cập ở trên, có tất cả 6 loại Fibonacci trong thị trường tài chính, tuy nhiên ở bài viết này mình sẽ chỉ hướng dẫn anh em 2 loại fibonacci đơn giản và được sử dụng rộng rãi nhất thôi nhé!
3.1. Cách vẽ Fibonacci thoái lui (Fibonacci Retracement)
Xác định đỉnh và đáy: Xác định chính xác đáy gần nhất (điểm bắt đầu) và đỉnh gần nhất (điểm kết thúc) mà ở đó giá đã bắt đầu điều chỉnh. Đối với xu hướng giảm, hãy chọn đỉnh gần nhất làm điểm bắt đầu và đáy thấp nhất làm điểm kết thúc.
Cách vẽ: Click vào điểm bắt đầu (đáy trong xu hướng tăng, đỉnh trong xu hướng giảm) và kéo thả chuột đến điểm kết thúc (đỉnh trong xu hướng tăng, đáy trong xu hướng giảm). Công cụ sẽ tự động vẽ các mức Fibonacci từ 0% đến 100% giữa hai điểm này, bao gồm các mức retracement quan trọng như 0.382, 0.5, 0.618. Trong xu hướng tăng, đây được coi là các vùng hỗ trợ. Khi giá về các vùng này thường sẽ có tăng trở lại.
3.2. Cách vẽ Fibonacci mở rộng (Fibonacci EExtension)
Xác định điểm bắt đầu, điểm đảo chiều và điểm xác nhận:
Đối với Xu Hướng Tăng: Xác định đáy gần nhất (điểm bắt đầu), tiếp theo là đỉnh cao nhất kế tiếp (điểm đảo chiều), và sau đó là đáy tiếp theo (điểm xác nhận).
Đối với Xu Hướng Giảm: Xác định đỉnh gần nhất (điểm bắt đầu), sau đó là đáy thấp nhất (điểm đảo chiều), và cuối cùng là đỉnh tiếp theo (điểm xác nhận).
Cách vẽ: Click và kéo từ điểm bắt đầu đến điểm đảo chiều. Tiếp tục giữ và kéo chuột đến điểm xác nhận. Các mức quan trọng cần chú ý đó là 1 và 1.618. Khi giá đến những vùng này thường có xu hướng điều chỉnh.
4. Lưu ý
Xác Định Xu Hướng: Fibonacci hoạt động tốt nhất trong một thị trường có xu hướng rõ ràng. Nó không phải là công cụ hiệu quả khi thị trường đi ngang hoặc không có xu hướng rõ ràng. Do đó, việc đầu tiên là xác định được xu hướng hiện tại của thị trường.
Chọn Điểm Bắt Đầu và Kết Thúc Phù Hợp: Khi vẽ Fibonacci retracement hoặc extension, việc chọn sai điểm bắt đầu và kết thúc có thể dẫn đến kết quả phân tích không chính xác. Hãy chắc chắn rằng bạn chọn đỉnh và đáy của một động thái giá rõ ràng.
Thêm vào đó chúng ta cần kết hợp nó với các công cụ và chỉ báo khác để mang lại kết quả chính xác nhất.
Chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về chỉ báo Fibonacci là gì. Các lọai fibonacci cũng như cách vẽ fibonacci như thế nào. Mình hy vọng bài viết sẽ mang lại cho các bạn những giá trị nhất định trong quá trình đầu tư của mình.
Bên cạnh đó, để cập nhật các tin tức nhanh và chính xác đến từ HM Coin, tham gia các kênh dưới đây: